Bắc Giang: Chuyển đổi số hướng đến sự phát triển bền vững

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Với 3 trụ cột chính trong Chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đã xây dựng chuyên đề về Chuyển đổi số quốc gia, được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới (Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030).

Tầm nhìn 10 năm tới, Việt Nam đặt ra mục tiêu thay đổi toàn diện đất nước theo hướng phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; Phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%... Đối với phát triển xã hội số, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 80%; Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng… Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn.

Đến năm 2030 Bắc Giang phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về Chuyển đổi số

Triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác này, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành như: Kế hoạch số 1349/KH-UBND ngày 03/04/2021 về thực hiện Chương trình hành động thúc đẩy Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Giang năm 2021; Quyết định số 645/QĐ-UBND ngày 09/4/2021 về việc công bố Danh mục dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh Bắc Giang (100% các dịch vụ công mức độ 4 đủ điều kiện cung cấp lên Cổng dịch vụ công tỉnh Bắc Giang); Kế hoạch số 1677/KH-UBND ngày 22/4/2021 về Số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang…

Đặc biệt, với việc ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy xác định mục tiêu tổng quát: “Phát triển chính quyền số tỉnh Bắc Giang tổng thể, toàn diện, có mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để đưa hoạt động của các cấp ủy, chính quyền lên môi trường số, đảm bảo an toàn thông tin; phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội. Khơi dậy khát vọng, tạo nên sức mạnh tinh thần để bứt phá vươn lên, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang có chỉ số đánh giá về CĐS thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và tạo tiền đề thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS”.

Tập trung xây dựng Đô thị thông minh

Để đạt mục tiêu về Đô thị thông minh (ĐTTM), UBND tỉnh đã ra Quyết định số 888/QĐ-UBND ngày 01/10/2020 phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Bắc Giang nhắm tới mục tiêu xây dựng mô hình ĐTTM tỉnh Bắc Giang, ứng dụng rộng rãi CNTT và thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức.

Với dự án ĐTTM, Bắc Giang sẽ cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ công ích chất lượng và kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) để nâng cao cuộc sống của người dân, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ thí điểm xây dựng mô hình ĐTTM tại thành phố Bắc Giang ở giai đoạn đầu từ 2021 - 2025. Theo đó, sẽ triển khai đồng thời các ứng dụng thông minh trên địa bàn thành phố để người dân được hưởng thụ các dịch vụ, tiện ích thông minh. Giai đoạn xây dựng thí điểm ở thành phố Bắc Giang sẽ được tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng trong giai đoạn sau.

Xác định giai đoạn đầu là giai đoạn phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nền móng ban đầu cho phát triển ĐTTM của tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, vì vậy, Bắc Giang sẽ tập trung ưu tiên xây dựng một số thành phần.

Xây dựng hạ tầng CNTT&TT cho phát triển ĐTTM: được xác định là yếu tố xây dựng đầu tiên, làm hạ tầng để các thành phần khác của ĐTTM phát triển. Trong giai đoạn đầu, tỉnh sẽ tập trung đầu tư các hệ thống hạ tầng cốt lõi, bao gồm Trung tâm tích hợp Dữ liệu tỉnh; Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM (IOC); Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC).

Đảm bảo An toàn và an ninh xã hội (camera giám sát trong ĐTTM): tỉnh sẽ đầu tư thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đồng bộ, tiên tiến, hiện đại nhằm tăng cường năng lực giám sát, điều hành và ứng phó, xử lý thông minh, chủ động trong các tình huống có thể xảy ra; nâng cao chất lượng công tác thông tin chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu trong toàn bộ lực lượng Công an Bắc Giang; đáp ứng yêu cầu trong công tác đảm bảo an ninh mạng, an ninh trật tự, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Xây dựng Hệ thống quản lý, điều hành thông tin kế hoạch - tài chính thông minh: nhằm tập trung, chia sẻ thông tin, hỗ trợ đắc lực công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành của tỉnh. Ngoài ra, Bắc Giang sẽ ưu tiên phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, du lịch thông minh. Bước đầu, Bắc Giang đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng CNTT bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, an toàn đáp ứng yêu cầu triển khai ĐTTM, chính quyền điện tử. Tỉnh cũng sẽ xây dựng, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các ứng dụng, dịch vụ thông minh trong các ngành, lĩnh vực: Kế hoạch, đầu tư, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông, tài nguyên môi trường, du lịch, lao động, nông nghiệp, công nghiệp… để phục vụ tốt người dân và DN trong sử dụng dịch vụ công. Đặc biệt, Bắc Giang sẽ tập trung xây dựng Khung tham chiếu kiến trúc ICT phát triển ĐTTM, làm cơ sở cho các ngành, lĩnh vực phát triển theo định hướng; số hóa dữ liệu của các lĩnh vực tối thiểu trong vòng 5 năm để phục vụ công tác CĐS, phát triển ĐTTM.

Có thể thấy, lộ trình CĐS Bắc Giang đã được đề ra rõ ràng, cụ thể, đồng nghĩa với việc chúng ta còn phải vượt qua nhiều khó khăn phía trước. Khó khăn và thách thức lớn nhất của CĐS là thay đổi tư duy, nhận thức và thói quen làm việc. Do vậy CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Với mỗi cơ quan, tổ chức thì sự thay đổi trước tiên phụ thuộc vào quyết tâm của người đứng đầu, dám tiên phong trong CĐS để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị. Huy động sự vào cuộc và hành động đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân, là nhân tố bảo đảm thành công của CĐS./.

                                                                                                                                                                                                                         Theo https://stttt.bacgiang.gov.vn/

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

User Online: 12,362
Total visited in day: 7,178
Total visited in Week: 9,823
Total visited in month: 63,467
Total visited in year: 385,447
Total visited: 8,373,900