Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang - Một số kết quả nổi bật

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Trước cơ hội, yêu cầu tất yếu khách quan phải chủ động, tích cực thực hiện chuyển đổi số, Bắc Giang xác định đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Với quyết tâm đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tỉnh Bắc Giang đã lựa chọn đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm định hình tổng thể, toàn diện về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số, là giải pháp cốt lõi để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang trong thời kỳ mới.

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Bắc Giang là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề tác động của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt kinh tế, xã hội và sức khỏe của Nhân dân, song với quyết tâm chính trị cao nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết quan trọng về chuyển đổi số; chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu khơi dậy khát vọng, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang có chỉ số đánh giá về chuyển đổi số thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước (Bắc Giang thuộc nhóm 05 tỉnh, thành phố cả nước đầu tiên ban hành Nghị quyết, Kế hoạch 05 năm về chuyển đổi số).

Năm 2020, Bắc Giang đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số Chuyển đổi số

Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI tỉnh Bắc Giang năm 2020 đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố (chỉ số xếp hạng chính quyền số đứng thứ 7, kinh tế số đứng thứ 14, xã hội số đứng thứ 25 trên 63 tỉnh, thành phố). Những kết quả bước đầu của chuyển đổi số Bắc Giang năm 2021 đã khẳng định mô hình điển hình về chuyển đổi số cấp tỉnh. Kiến trúc và quy hoạch chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang theo đúng Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đã ban hành đồng bộ nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo điều hành phục vụ chuyển đổi số, triển khai các nền tảng số,... Đây là nội dung quan trọng mang tính nền tảng để xây dựng thể chế số cho chuyển đổi số tại tỉnh Bắc Giang. Hạ tầng thông tin và truyền thông của tỉnh Bắc Giang được quan tâm đầu tư, hệ thống chính quyền điện tử áp dụng trí tuệ nhân tạo đang được hình thành, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai rộng rãi trong các cơ quan nhà nước, tạo ra không gian số thống nhất của cấp ủy, chính quyền kết nối với người dân và doanh nghiệp. Nhiều cuộc họp quan trọng điều hành phát triển kinh tế xã hội, nhiều cuộc họp khẩn để chỉ đạo phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh của lãnh đạo tỉnh với các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện trực tuyến qua mạng đạt hiệu quả cao. Kinh tế số bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới (thương mại điện tử, dạy học online, hệ thống khám chữa bệnh từ xa - telehealth,…); có sự chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Công dân số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từng bước được hình thành. Công tác tuyên truyền về thực hiện chuyển đổi số được UBND tỉnh Bắc Giang quan tâm, kịp thời truyền tải các thông tin liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số, cải cách hành chính của tỉnh để các địa phương kịp thời nắm bắt và tổ chức thực hiện tuyên truyền đến toàn thể nhân dân.

Chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh

Đến nay, Bắc Giang đã đạt một số kết quả chuyển đổi số nổi bật:

Về phát triển Chính quyền số: Toàn tỉnh đang cung cấp 1.380/1.961 DVC mức độ 3, 4 trên Cổng DVC tỉnh (cấp tỉnh: 1.118, cấp huyện: 183; cấp xã: 79), cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết đối với các TTHC đủ điều kiện. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh Bắc Giang được xây dựng dùng chung và áp dụng thống nhất, thực hiện chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước và cấp uỷ Đảng thuộc 03 cấp trong tỉnh và liên thông với trục văn bản quốc gia với gần 15.000 tài khoản. Hệ thống được tích hợp giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, tích hợp ký số trên phần mềm với 6.890 chứng thư số. Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP) đã đầu tư xây dựng, duy trì, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu các phần mềm, cơ sở dữ liệu của tỉnh đến các bộ, ngành trung ương. Hệ thống Camera an ninh toàn tỉnh vận hành, kết nối 601 camera trên địa bàn 10/10 huyện, thành phố với Trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông. Hệ thống truyền hình hội nghị được triển khai từ tỉnh đến 10 huyện, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn, với tổng số 277 điểm cầu kết nối và 21 điểm cầu của ngành giáo dục và 13 điểm cầu của ngành y tế.

Về phát triển Kinh tế số: Bắc Giang hiện có 1119 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Theo Báo cáo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 8 về chỉ số Công nghiệp công nghệ thông tin.

Về phát triển Xã hội số: Bưu điện tỉnh đã tổ chức gán mã địa chỉ bưu chính Vpostcode cho 100% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Các doanh nghiệp viễn thông tập trung hoàn thiện hạ tầng thông tin, phấn đấu năm 2023 xây dựng mạng internet cáp quang đến 100% hộ gia đình. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các xã thành lập 100% Tổ công nghệ cộng đồng cấp xã (209 Tổ với 3.870 thành viên) và một số huyện đã chỉ đạo thành lập Tổ công nghệ cộng đồng đến cấp thôn (526 Tổ với 2.773 thành viên) để hướng dẫn cộng đồng dân cư triển khai ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Về chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Trong vòng 5 năm trở lại đây, tỉnh Bắc Giang đã huy động được hơn 593 tỷ đồng thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 716 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt từ 220 triệu đến 250 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như 22 mô hình rau, nấm trồng trong nhà lưới, nhà màng với diện tích 41.178m2…. Việc áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP ở Bắc Giang đang được thực hiện rất tốt, nhất là khâu bán hàng (số lượng sản phẩm OCOP được giao dịch qua các sàn đạt 20%). Năm 2021, thông qua các sàn thương mại điện tử, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được trên 8.000 tấn vải. Cùng với phương thức truyền thống, thông qua sàn TMĐT, Bắc Giang cũng đã xuất khẩu được những lô vải thiều đầu tiên sang thị trường Châu Âu trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.

Quảng bá vải thiều trên Sàn thương mại điện tử Postmart

Đạt được kết quả bước đầu kể trên trong công cuộc chuyển đổi số, tỉnh Bắc Giang rút các bài học kinh nghiệm sau:

Một là, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động đi trước, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp là trung tâm và là mục tiêu phát triển của chuyển đổi số; Sở Thông tin và Truyền thông xác định trách nhiệm là cơ quan chủ động dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số của tỉnh: Kết quả chuyển đổi số của Bắc Giang đã khẳng định vai trò của người định hướng đó là lãnh đạo tỉnh, người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương. Ở đâu có người đứng đầu quan tâm, có sự tìm tòi, học hỏi các kiến thức về công nghệ số và có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thì ở đó chuyển đổi số được phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Hai là, cách thức thực hiện chuyển đổi số là: toàn dân, toàn diện và thực hiện đồng thời; lấy người dân làm trung tâm, tôn trọng, lắng nghe, cầu thị và phát huy được sức mạnh trong nhân dân: Kết quả cung cấp các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp đóng góp một phần không nhỏ trong việc tôn trọng và lắng nghe ý kiến góp ý của người dân, căn cứ trên nhu cầu của người dân mong muốn. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được triển khai đều được khảo sát, đánh giá mức độ quan tâm của người dân để ưu tiên triển khai phù hợp thực tiễn và khẳng định tính hiệu quả rất cao, lôi cuốn, tạo được sự đồng thuận lớn từ người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang đã đưa hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến vào môn học ngoại khóa tại các trường PTTH trên địa bàn tỉnh.

Ba là, công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị cũng hết sức quan trọng. Hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyên thông thực hiện thống kê, báo cáo kết quả tình hình ứng dụng của các cơ quan, đơn vị; có sự so sánh đánh giá, hàng năm đưa vào tiêu chí đánh giá cải cách hành chính, mức độ chuyển đổi số, công tác thi đua khen thưởng của các cơ quan đơn vị trong tỉnh.

 

Bốn là, truyền thông lan tỏa năng lượng tích cực, nhân vật điển hình, cách làm mới, cách làm hay của chuyển đổi số trên nhiều nền tảng, như: hệ thống truyền thanh cơ sở (loa phường), các nền tảng mạng xã hội: Zalo, Facebook, ..., tin nhắn SMS, báo điện tử, đài truyền hình, ... ./.

                                                                                                                                      Theo https://stttt.bacgiang.gov.vn/

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

User Online: 17,567
Total visited in day: 4,017
Total visited in Week: 6,662
Total visited in month: 60,306
Total visited in year: 382,286
Total visited: 8,370,739