Sở Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Ngày 17/5/2024, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phí Thanh Bình chủ trì Hội nghị giao ban với Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp các huyện, thành phố, thị xã để quán triệt một số nội dung về triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và tiếp tục rà soát, hoàn thiện Dự thảo các văn bản điều chỉnh, bổ sung Bảng giá đất giai đoạn 2022 - 2024 tỉnh Bắc Giang.

Dự hội nghị có Đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các phòng, đơn vị: Kế hoạch Tài chính; Thanh tra Sở; Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám; Quản lý đất đai; Trung tâm Lưu trữ và Phát triển quỹ đất; Văn phòng Đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố, thị xã.

 

                                      Đồng chí Phí Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở chủ trì Hội nghị

Theo báo cáo, tính đến thời điểm ngày 30/4/2024, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện công tác bồi thường GPMB 305 dự án, trong đó chủ yếu là các dự án chuyển tiếp từ những năm trước (259 dự án), triển khai công tác bồi thường GPMB trong năm 2024 là 46 dự án. Tổng diện tích diện tích phải GPMB là 3.983,51 ha.

UBND các huyện, thành phố, thị xã đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện công tác bồi thường GPMB. Tuy nhiên, số lượng dự án trên địa bàn một số huyện khá lớn, công tác GPMB thực hiện dàn trải dẫn đến hiệu quả chưa cao, tiến độ bồi thường GPMB tại nhiều dự án còn chậm, có những dự án công tác GPMB kéo dài đã nhiều năm đến nay chưa hoàn thành.

Các địa phương có số dự án GPMB mới chỉ GPMB được một phần, phần còn lại chưa lập phương án có khối lượng công việc lớn gồm: Việt Yên 340,84 ha;  TP Bắc Giang 184,05 ha; Hiệp Hòa 156,01 ha; Yên Dũng 121,72 ha; huyện Tân Yên 43,88 ha và huyện Lạng Giang 56,89ha có số dự án đang GPMB dở dang nhiều, tuy nhiên tổng diện tích còn lại không lớn.

                        Đ/c Nguyễn Thị Tuyết - TP. Kế hoạch Tài chính phát biểu tại Hội nghị

- Về cấp giấy chứng nhận sau dồn điền, đổi thửa: Toàn tỉnh đã cấp được 70.331 giấy, tương ứng với diện tích 11.135 ha, đạt 69,6% so với diện tích cần cấp giấy chứng nhận, còn lại khoảng 16.597 giấy tương ứng với diện tích 3.321,2 ha đất cần cấp giấy chứng nhận.

- Về cấp giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính: Toàn tỉnh cần cấp 793.017 giấy chứng nhận, tương ứng 188.206,5ha đất; đến nay đã cấp được 294.162 giấy, tương ứng với 39.799 ha, đạt tỷ lệ 37,1% về số giấy và 21,1% về diện tích.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng như: quy định pháp luật một số nội dung chưa rõ ràng, cụ thể; sự đồng thuận của một bộ phận người dân còn hạn chế; khó khăn trong việc xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất; thủ tục về thừa kế; nhân lực của địa phương còn hạn chế trong khi số lượng dự án cần GPMB lớn.... Việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cần phải có thời và đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định do vậy tiến độ GPMB tại nhiều dự án còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Việc bố trí tái định cư rất chậm, đạt tỷ lệ rất thấp, cho thấy công tác lập quy hoạch xây dựng chưa đánh giá kỹ lưỡng việc thu hồi đất ở để thực hiện các dự án; các địa phương chưa chủ động chuẩn bị quỹ đất để thực hiện tái định cư, bồi thường bằng đất ở.

Một bộ phận người dân có tâm lý trông chờ vào chính sách mới sẽ có lợi hơn khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành; không đồng thuận, không chấp hành Quyết định thu hồi đất dẫn đến cơ quan nhà nước phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi đất.

 

                Đ/c Hoàng Văn Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Việt Yên

 

 

                    Đ/c Nguyễn Đình Thắng – Trưởng phòng Quản lý đất đai phát biểu tại Hội nghị

 

Để việc triển khai thực hiện Luật Đất đai số 31/2024/QH-15 đảm bảo có hiệu lực, hiệu quả cao, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu ở trên. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phí Thanh Bình yêu cầu các phòng, đơn vị thuộc Sở; Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc trung tâm phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt các nội dung sau:

- Công tác bồi thường GPMB

Phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể của huyện, UBND cấp xã để triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB đúng chính sách; đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch theo quy định của pháp luật;

Đối với những dự án xác định phải bố trí tái định cư cần chủ động tham mưu Chủ tịch UBND huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị ngay kế hoạch, phương án, quỹ đất để thực hiện việc tái định cư hoặc bồi thường bằng đất ở;

Phấn đấu hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đang thực hiện dở dang; thực hiện hoàn thành việc chi trả tiền theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được UBND cấp huyện phê duyệt; hạn chế tối đa một dự án hai chính sách bồi thường.

Đối với các trường hợp khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện. Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy và Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã để cho chủ trương thực hiện. Các trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết cần báo cáo ngay UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để được chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

- Công tác cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau dồn điền, đổi thửa và theo bản đồ địa chính

Tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện, thành phố các giải pháp tổ chức thực hiện để hoàn thành, đóng gói hồ sơ đối với các dự án đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, cấp GCNQSD đất còn dở dang; nâng cao tỷ lệ cấp GCNQSD đất, đăng ký đất đai theo kết quả đo đạc, lập bản đồ địa chính; rà soát lại năng lực của toàn bộ các đơn vị đang tư vấn cho địa phương về công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ cấp GCNQSD đất.

Tập trung cao thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 31/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 01/4/2024 của UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát, hoàn thiện Dự thảo các văn bản điều chỉnh, bổ sung Bảng giá đất giai đoạn 2022 - 2024 tỉnh Bắc Giang.

Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với phòng Tài chính Kế hoạch, Chi nhánh văn phòng đăng ký cấp huyện, UBND cấp xã khẩn trương thực hiện rà soát Bảng giá đất, trong đó tập trung rà soát một số nội dung sau:

- Giá đất tại các vị trí dự kiến bố trí tái định cư, giao đất không thông qua đấu giá đối với các trường hợp được bồi thường bằng đất ở;

- Giá đất tại các khu vực, vị trí dự kiến tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối.

- Giá đất ở tại nông thôn tại các khu vực, vị trí thuận lợi, giáp ranh với khu vực đô thị, đường giao thông; có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; khu vực dự kiến phát triển đô thị;

- Giá đất thuộc nhóm đất nông nghiệp, đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;

- Rà soát các nội dung quy định về nguyên tắc xác định vị trí, khu vực; việc quy định giá đất trong bảng giá đất đối với một số loại đất khác (như: đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất phi nông nghiệp; đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất xây dựng công trình sự nghiệp; đất sử dụng vào các mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh, đất tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng; đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng….)

 

N.T. Huyền - TT LT&PTQĐ

Chủ nhật, 16 Tháng 06 Năm 2024

User Online: 9,150
Total visited in day: 2,382
Total visited in Week: 2,381
Total visited in month: 40,348
Total visited in year: 464,393
Total visited: 8,452,846